1. Độ nhạy sáng ISO là gì
Thuật ngữ ISO được dùng khi nói về giá trị nhạy sáng trong nhiếp ảnh. Đây là từ viết tắt của cụm từ International Standards Organization (Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế), một tổ chức chuyên ban hành các thiết lập tiêu chuẩn trên bình diện quốc tế. Cơ quan này ấn định tiêu chuẩn cho tất cả mọi thứ, từ việc giám sát chất lượng không khí phải thực hiện như thế nào cho đến cách đo lường hàm lượng chất béo trong thực phẩm.Trong ngành nhiếp ảnh phim, việc sử dụng từ tắt ISO có nghĩa là loại phim được sử dụng có giá trị nhạy sáng phải hợp với giá trị theo chuẩn ISO. Thí dụ, loại phim rất nhạy sáng có giá trị ISO 1.600 hay 3.200 cần ít ánh sáng hơn để tạo ra hình ảnh so với phim có độ nhạy sáng thấp ISO 100 hay 50. Mỗi cuộn phim chỉ có một giá trị ISO cố định duy nhất. Còn đối với máy ảnh kỹ thuật số, tùy mức độ cao cấp của máy mà dải ISO có thể cao hay thấp. Các giá trị ISO ngày nay được dùng để mô tả thiết lập độ nhạy sáng trên máy ảnh kỹ thuật số.
ISO thấp thường được dùng trong điều kiện ánh sáng mạnh hoặc dùng để chụp phơi sáng, còn ISO cao dùng khi chụp thiếu sáng hoặc tốc độ cao. |
Cũng giống như trường hợp điều chỉnh tốc độ màn trập hay khẩu độ trong khi chụp ảnh, việc điều chỉnh độ nhạy sáng một đơn vị phơi sáng (một stop) sẽ làm tăng gấp đôi hay giảm một nửa thời gian phơi sáng cần thiết để tạo hình ảnh. Điều này giúp chúng ta dễ hiểu hơn về mối quan hệ giữa tốc độ, khẩu độ và độ nhạy sáng. Nếu tốc độ chụp hay khẩu độ thay đổi một stop, độ nhạy sáng có thể thay đổi một stop theo chiều ngược lại để bù trừ. Có nghĩa là, ISO thấp thường được dùng trong điều kiện ánh sáng mạnh hoặc dùng để chụp phơi sáng, còn ISO cao dùng khi chụp thiếu sáng hoặc tốc độ cao.
2. Thiết lập gốc
Một trong những lợi điểm tuyệt vời của nhiếp ảnh kỹ thuật số là độ nhạy sáng có thể thay đổi giữa các ảnh chụp khác nhau. Người chụp ảnh không bị ràng buộc phải quyết định chọn tốc độ phim ngay từ đầu và phải bám vào tốc độ này cho đến khi chụp hết 24 hay 36 “pô” ảnh giống như trong nhiếp ảnh phim.Ảnh chụp ở ISO cao thường sẽ sáng hơn nhưng bị nhiễu hạt nhiều hơn so với ảnh chụp ở ISO thấp hơn. |
Tuy nhiên, dù hầu hết các mẫu máy ảnh kỹ thuật số hiện đại ngày nay có nhiều thiết lập độ nhạy sáng thì thực tế là độ nhạy sáng của bộ cảm biến được ấn định chỉ bằng một giá trị gốc, thường là ISO 100 hay 200. Trong khi đó, các giá trị khác có thể đạt được bằng cách khuếch đại tín hiệu. Vấn đề là khuếch đại tín hiệu có thể làm ảnh bị nhiễu, là những đốm nhỏ thấy được trong ảnh có độ nhạy sáng cao.
3. Thiết lập có sẵn
Các hãng sản xuất máy ảnh thường thiết kế sản phẩm của họ có một phạm vi độ nhạy sáng ISO chuẩn (hay còn gọi là dải ISO “cài đặt sẵn trong máy”), gồm các giá trị từ khoảng 100 hay 200 cho đến 6.400 hay đôi khi cao hơn.Đây là những giá trị mà hãng cho là sẽ tạo được ảnh với chất lượng ưng ý. Ảnh tạo ra ở giá trị độ nhạy sáng cao hơn sẽ bị nhiễu hơn so với ảnh chụp với ISO thấp hơn, nhưng hãng sản xuất xem hiện tượng đó còn nằm trong giới hạn chấp nhận được và họ hài lòng khi các thiết lập này được sử dụng thường xuyên.
Nhiều hãng sản xuất cũng thiết kế máy ảnh DSLR có các thiết lập “mở rộng” độ nhạy sáng, với những giá trị ISO nằm ngoài phạm vi có sẵn trong máy. Khi các giá trị này được dùng thì ảnh sẽ không có cùng chất lượng như những ảnh được tạo ra trong phạm vi độ nhạy sáng có sẵn. Hãng sản xuất cung cấp các giá trị này chủ yếu để giúp chụp ảnh trong các trường hợp khác thường hơn.
4. Thiết lập mở rộng thấp
Ảnh chụp với thiết lập mở rộng thấp như ISO 64 hay ISO 50 không bị mức độ nhiễu quá mức như trường hợp ảnh chụp với giá trị ISO rất cao, từ 51.200 hay cao hơn. Tuy nhiên, những ảnh này thường không sánh được với chất lượng của ảnh chụp với các giá trị độ nhạy sáng chuẩn như ISO 100 hay 200.Mức độ chi tiết trong những ảnh này thường thấp hơn một chút so với ảnh chụp với thiết lập có sẵn thấp nhất và dải tần nhạy sáng (dynamic range) thường hơi bị hạn chế. Cho nên, bạn có thể thấy rằng vùng sáng dễ bị cháy và vùng tối dễ bị che hơn. Trừ khi cần dùng thiết lập nhạy sáng rất thấp để chụp ảnh rộng hay làm mờ chuyển động, trong hầu hết các trường hợp thì bạn nên dùng các thiết lập ISO có sẵn trong máy như đã đề cập trong phần trên để đạt chất lượng hình ảnh tốt nhất.
5. Nhiễu màu và nhiễu độ sáng
Các kết cấu nhỏ tình cờ xuất hiện trong một bức ảnh có thể gọi là nhiễu trong ảnh kỹ thuật số hay các hạt li ti trên ảnh chụp bằng phim. Đối với loại phim nhựa, hạt li ti là kết quả của các phần tử hóa học không nhận đủ ánh sáng. Trong các bộ cảm biến hình ảnh kỹ thuật số, nhiễu là kết quả của các tín hiệu thừa tạo ra bởi hệ mạch kỹ thuật số của máy ảnh. Hiện tượng này xảy ra do lượng nhiệt vượt mức gây ra hay do khả năng xử lý của bộ cảm biến đối với tín hiệu rối loạn trong sóng không khí.Nhiễu hạt thường là một hiệu ứng nhằm thêm nét đặc sắc trong ảnh đen trắng. |
Khi tăng độ nhạy sáng, hiện tượng bị nhiễu ảnh càng thấy rõ nhất là trong các vùng tối hơn. Loại nhiễu ảnh này thấy rõ trong hai dạng: nhiễu màu (hay nhiễu sắc độ) và nhiễu độ sáng. Đó là những biến đổi về màu sắc và độ sáng của điểm ảnh. Nhiễu màu, biểu thị qua hiện tượng bị đốm màu, thường là hiện tượng khó chịu và khó giải quyết nhất vì nó trông không bình thường. Trong khi đó, nhiễu độ sáng thường ít thấy rõ hơn.
Trong nhiều trường hợp, không ai muốn xảy ra hiện tượng nhiễu trong ảnh màu. Tuy nhiên, đối với ảnh đen trắng, một số nhiếp ảnh gia cố tình tạo ra hiện tượng bị hạt nhằm thêm nét đặc sắc cho ảnh của họ chứ không phải là một lỗi tiêu cực.
6. Giảm nhiễu
Hệ thống giảm nhiễu trong máy ảnh kỹ thuật số ngày càng tinh vi nhờ áp dụng các giải thuật phức tạp để phân tích hình ảnh, nhận dạng nhiễu và giảm thiểu ảnh hưởng của nhiễu. Tuy nhiên, khi xử lý nhiễu màu, kết quả có thể là độ bão hòa màu sẽ bị giảm toàn bộ. Đồng thời, việc giải quyết nhiễu độ chói có thể làm mờ các chi tiết ảnh.Khi cố điều chỉnh hiện tượng mờ, một số mẫu máy ảnh áp dụng tính năng làm sắc cạnh ở mức độ khá cao. Trong vài trường hợp, phương pháp này đưa đến kết quả là một hiệu ứng màu nước thấy rất rõ khi xem ảnh ở độ phóng đại 100%. Điều đó có nghĩa là nét bên ngoài rất rõ xung quanh các thành phần hình ảnh có sắc độ đều đặn ở bên trong.
Nếu có thể, tốt nhất là bạn nên chụp ảnh với độ nhạy sáng cao theo định dạng RAW và JPEG cùng một lúc. Định dạng JPEG cho phép có thể xuất ảnh ngay sau khi chụp, trong khi tập tin RAW chứa tất cả dữ liệu để chỉnh sửa sau khi chụp. Định dạng RAW cho phép tìm được đúng cân bằng giữa độ nét chi tiết, độ giảm thiểu nhiễu và thường được các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp ưa dùng.
Ý kiến bạn đọc